Không gian sinh kế của các cộng đồng gắn liền với hệ sinh thái địa phương, mỗi loài cây trong hệ sinh thái (cây bản địa) đều góp phần tạo nên bản sắc riêng của từng tộc người. Điều này được thể hiện qua việc sử dụng cây rừng phục vụ cho các nhu cầu cơ bản trong đời sống hàng ngày của người dân như ăn uống, chữa bệnh, làm nhà, làm dụng cụ sản xuất… đến những hoạt động văn hoá tín ngưỡng.
Tài liệu này giới thiệu một số loài cây bản địa tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và làng Vi Ô Lắc, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Các loài cây gỗ bản địa ở vùng Hương Sơn để thể hiện vai trò đối với những nhu cầu cơ bản của các cộng đồng, trong khi đó các loài cây có thần (cây thiêng) tại làng Vi Ô Lắc phản ánh niềm tin của cộng đồng trong cuộc sống gắn liền với rừng. Từ nhu cầu thực tiễn về công tác phục hồi rừng, giàu hóa rừng, các loài cây khảo sát tại Hương Sơn là danh mục ban đầu về các loài cây gỗ bản địa được khuyến nghị cho công tác trồng rừng hỗn giao ở địa phương. Tại làng Vi Ô Lắc, các loài cây thiêng được ghi chép nhằm mục đích để học và hiểu mối quan hệ hữu cơ giữa cây cỏ đối với cuộc sống tinh thần và sinh kế làng bản, từ đó giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của rừng tự nhiên trong duy trì và phát huy bản sắc văn hóa làng của người H’rê.
Tài liệu này là kết quả khảo sát và nghiên cứu thực địa của cán bộ Viện Phát triển Doanh nhân Cộng đồng - CENDI để học và ghi chép những tri thức địa phương từ các già làng, các thầy thuốc nam và những người am hiểu hệ sinh thái tại làng bản đối với việc quản lý và sử dụng các loài cây bản địa tại Hương Sơn và Kon Tum.