Liên hệ: hepaspirit@gmail.com hoặc cendispirit@gmail.com * Online: 1 - Visited: 466526
Tin nổi bật
Video
01-27-2022 - 03:01:25
Đề xuất hướng đi cho phát triển nông nghiệp dược liệu ở huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum
- Huyện Kon Plong có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp dược liệu. Tiềm năng đó bao gồm vốn rừng giàu có và vốn kho tàng tri thức thuốc nam của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn huyện. Ngành nông nghiệp dược liệu của huyện Kon Plong sẽ phát triển vững chắc, mang lại giá trị gia tăng cao và tạo ra được bản sắc của mình khi kết hợp phát huy được hai nguồn vốn này.
Dược liệu là một sản phẩm nông nghiệp đặc thù vì hai lý do, thứ nhất khi mà kích thước, mẫu mã và hương vị là các tiêu chí quan trọng của các mặt hàng nông sản thông thường thì dược chất là yếu tố cốt lõi nhất của sản phẩm dược liệu. Dược chất của một loài chỉ được phát huy đầy đủ khi loài đó sống trong môi trường tự nhiên của nó; thứ hai, tri thức sử dụng thuốc nam là sản phẩm của quá trình tích lũy và đúc kết qua hàng trăm năm của những người bản địa sống gắn bó với núi rừng. Vì vậy, thuốc nam là một sản phẩm mang bản sắc sinh thái văn hóa của một vùng.
Lối mòn trong việc phát triển dược liệu hiện nay là phát triển dược liệu hàng hóa trên diện tích lớn, chỉ tập trung phát triển một số loài nhất định với phương thức độc canh, mang cây thuốc rời xa môi trường tự nhiên của chúng. Sản phẩm được trồng ra chỉ làm nguyên liệu thô cho thuốc tân dược hoặc được chế biến riêng rẽ trở thành các sản phẩm hàng hóa thông thường. Với cách thức này, lợi thế về điều kiện sinh thái và bản sắc văn hóa không được sử dụng để tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Huyện Kon Plong với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 82.75% trong tổng số 137,124ha đất tự nhiên1 , độ che phủ2 của rừng cao nhất cả nước đạt 78% với hàng trăm loài thảo dược có giá trị cao. Dân số của huyện Kon Plong có hơn 80% là đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ Xơ Đăng, Mơ Nâm, Ca Dong, Hre ngàn đời nay sống trong không gian núi rừng truyền thống. Với những lợi thế rất lớn đó, huyện Kon Plong tránh đi vào lối mòn trong phát triển nông nghiệp dược liệu mà cần tạo ra được bản sắc riêng trong sản phẩm của mình bằng cách phát huy tối đa tiềm năng của vốn rừng và kho tàng tri thức của các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Ở bước khởi đầu, đến năm 2019, toàn huyện đã trồng được 52,7 ha cây dược liệu; trong đó 8,7 ha đảng sâm, 8 ha sa nhân, 12 ha đương quy, 14 ha nghệ đỏ, 2 ha sả đen, 8 ha đinh lăng; đã khảo sát, quy hoạch hơn 600 ha rừng để bảo tồn, khai thác các loại cây dược liệu theo hướng bền vững3 ; với sự tham gia của hơn 18 doanh nghiệp dược liệu trên địa bàn trong các mắt xích khác nhau của chuỗi sản phẩm. Tuy nhiên, để phấn đầu đến năm 2030 ngành dược liệu đóng góp khoảng 30% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp4 , huyện cần một chiến lược dài hạn và quá trình đầu tư bài bản cho mục tiêu này. Bước đầu tiên là cùng với các cộng đồng cần tổ chức những nghiên cứu thực vật học dân tộc để tìm hiểu tri thức thuốc nam từ cộng đồng, sau đó hỗ trợ cộng đồng phát triển sản phẩm bằng phong cách thu hái, chế biến và nghi lễ truyền thống ngay trên những cánh rừng của họ. Ngoài ra, kết hợp du lịch với chữa bệnh/tăng cường sức khỏe bằng thuốc nam là một hướng đi tiềm năng mà huyện Kon Plong có thể phát huy.
1. http://www.konplong.kontum.gov.vn/gioi-thieu-chung/Gioi-thieu-chung-329
2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Kon_Pl%C3%B4ng
3. http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/34788802-kon-tum-day-manh-phat-trien-cay-duoc-lieu.
4. html http://baokontum.vn/kinh-te/kon-plong-niem-vui-tu-cay-duoc-lieu-10614.html