Liên hệ: hepaspirit@gmail.com hoặc cendispirit@gmail.com     *     Online: 1 - Visited: 431201
Cendi - Worship Nature
'Hồn nhiên, lãng mạn, bản lĩnh, bao dung và khát khao tự do là vốn trời cho. Nếu ta giá trị được món quá ban tặng đó của Ông Trời như phụng dưỡng mẹ cha ta, ta sẽ có được tự do của chính ta. Doanh nhân Cộng đồng luôn âm thầm thờ phụng món quà tự do của ông Trời ban tặng đó ở các cánh rừng già tưởng là giản đơn mà sâu lắng đến ngỡ ngàng' Trần thị Lành 2015!
Xuất bản
Xuất bản

Tin nổi bật

news Tham vấn Chuyên gia Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) tại Hội đồng Dân tộc Quốc Hội. 18.08.2022
news KẾ HOẠCH TỌA ĐÀM “Quản lý, sử dụng đất nưong rẫy vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, thực trạng và giải pháp”.
news KẾ HOẠCH TỌA ĐÀM “Tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư” trong giao đất, giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng.
news Thể chế hóa logic và minh bạch Chủ sở hữu và Đại diện chủ sở hữu bằng văn bản pháp luật trong lĩnh vực Đất đai
news Ba Điều hiện thực hóa Cương lĩnh Chính trị và Quan điểm Lập pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam phải có trong Luật Đất đai sửa đổi 2013 tại Quốc Hội khóa XV
news Sinh kế Sinh thái Bền vững và Chủ quyền Lương thực
news TỌA ĐÀM ''Hệ Sinh thái Rừng-Rẫy-Ruộng. Bảo tồn Nông nghiệp Sinh thái - Phát triển chiến lược giàu hóa dược liệu dưới tán rừng. 28.10.2021. Kon PLong
news Xây dựng mô hình phát triển NNST (Rừng-rẫy-ruộng) gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của địa phương và xã hội hóa giai đoạn 2021-2025
news Một vài chia sẽ trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Hậu Giao Đất Giao rừng dựa vào Cộng đồng (2014-2021) tại địa bàn huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum
news Liệu GMO (Sinh vật biến đổi gen) có thực sự giúp được các nước phía Nam bán cầu

Video

Nuôi ong sinh thái ở Cao Quảng – sự phát triển từ gốc rễ

  • Phát triển từ gốc rễ là quá trình phát triển mà qua đó khơi dậy và phát huy được nội lực của cộng đồng trong xây dựng sinh kế, đồng thời bảo tồn và giàu hóa tài nguyên thiên nhiên, và bảo vệ môi trường. Nghề nuôi ong Sinh thái tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đang trở thành một nguồn cảm hứng và bước đi tiên phong hướng tới phát triển vững chải vùng non xanh nước biếc này.

    Sản phẩm mật ong sinh thái là một sản phẩm đặc sắc và tinh tế. Những con ong cần mẫn lấy phấn và mật ở hàng trăm loài hoa rừng để luyện mật. Vì vậy, mật ong không những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn được sử dụng để phòng và chữa bệnh. Tuy nhiên, để có những giọt mật ong tinh túy của núi rừng thì phải đáp ứng được những điều kiện rất khắt khe.


    Hoạt động kiểm tra sức khỏe đàn ong giữa các thành viên trong nhóm

    Một sản phẩm được gọi là sinh thái chỉ khi sản phẩm đó được nuôi dưỡng trong môi trường sinh thái. Xã Cao Quảng có hơn 10,000 ha rừng tự nhiên với mức độ đa dạng sinh học rất cao. Phần lớn diện tích rừng này đã được giao quyền sử dụng đất rừng 50 năm cho các hộ gia đình để bảo vệ và phát triển từ những năm 2002-2003 với sự hỗ trợ của hai tổ chức CIRD (Việt Nam) và ICCO (Hà Lan). Vì thế, Cao Quảng có những lợi thế để nuôi ong mà ít nơi có được. Ngoài hàng trăm cây lấy gỗ cho hoa thì theo khảo sát ban đầu của nhóm nuôi ong sinh thái, có hơn 260 loài thảo dược bổ sung nguồn hoa cho ong. Với nguồn hoa dồi dào, đàn ong có thể lấy hoa quanh năm, kể cả trong những tháng mà những vùng nuôi ong khác khan hiếm hoa tự nhiên. Con ong sống trong môi trường tự nhiên, nơi mà có đầy đủ đặc tính đa dạng, đặc thù, tương tác, thích nghi và bền vững của hệ sinh thái, đảm bảo luyện nên một loại mật ong hảo hạng. Về mặt xã hội, người dân ở Cao Quảng có toàn quyền tự chủ trên núi rừng để cùng nhau nuôi dưỡng đàn ong trong ngôi nhà sinh thái mình đang sống.

    Tiềm năng tự nhiên ở Cao Quảng là rất lớn, nhưng việc nuôi ong không vì thế mà dễ dàng. Đây là một nghề kỹ thuật cao và cần sự đam mê cao độ. Trước đây, bà con bắt ong tự nhiên về nuôi trong ống tròn, ống được làm bằng thân cây rỗng. Kỹ thuật này có nhiều nhược điểm, như: rất khó theo dõi và chăm sóc đàn ong vì thế không thể phát hiện kịp thời các vấn đề nên ong thường bốc bay đi, sản lượng mật thấp, chất lượng không đồng đều và khó phát triển đàn ong lên quy mô lớn hơn.

    Hoạt động nuôi ong trong thùng vuông được đẩy mạnh và nhân rộng chỉ mới hơn một năm nay thông qua sự hỗ trợ của dự án hợp tác giữa tổ chức SODI (Đức) và liên minh 2 Viện SPERI và CENDI (Việt Nam). Từ 37 đàn ong được hỗ trợ ban đầu cho nhóm 9 thành viên, đến nay nhóm nuôi ong sinh thái Cao Quảng đã phát triển đàn ong lên hơn 250 đàn với 25 thành viên, với sự tham gia của nhiều thành viên trẻ và nhiệt huyết. Qua hơn một năm nỗ lực không mệt mỏi học tập, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, bà con đã nắm vững kỹ thuật nuôi ong và mạnh dạn đầu tư phát triển đàn ong lên một quy mô lớn hơn.

    Qua hoạt động nuôi ong, bà con vốn dĩ đã am hiểu hệ sinh thái tự nhiên của địa phương, nay trở thành những nhà sinh thái học thực sự. Bà con am hiểu tường tận tập tính của con ong, vì chỉ như thế mới phát hiện ra các vấn đề bất thường của đàn ong như dấu hiệu chia đàn, dấu hiệu ong bị động vật khác tấn công hoặc bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói bụi, hóa chất hay các tác động khác bên ngoài. Bà con biết chi tiết thời điểm này trên rừng có hoa gì, vì thế hiểu được ở mỗi mùa mật ong sẽ có hương vị đặc trưng như thế nào. Tiếp xúc gần gũi với đàn ong hằng ngày giúp cho bà con sắc sảo hơn trong kỹ năng quan sát và kịp thời hơn trong xử lý các tình huống nảy sinh. Mỗi người có những thử nghiệm khác nhau, đúc rút được những kinh nghiệm khác nhau. Những bài học này được cả nhóm chia sẻ ngay tại vườn nhà mình vào ngày 20 hàng tháng, ngày này cả nhóm đi đến nhà từng thành viên, kiểm tra đánh giá sức khỏe của từng đàn ong để đưa ra cách giải quyết phù hợp. Giờ đây bà con không còn thấy nuôi ong là một nghề xa vời mà đã tự tin phát triển nghề ong, cải thiện sinh kế trên đất đai của mình. Tinh thần đoàn kết cộng đồng được củng cố vững chắc, nhiều bài học kinh nghiệm trong sản xuất được tích lũy và chia sẻ.

    Đến nay, sản phẩm mật ong đã thành một nguồn thu quan trọng góp phần vào sinh kế của bà con. Mỗi thành viên có từ 5 đến 20 đàn ong, trung bình mỗi năm một đàn ong cho 5 – 6 lít mật, với giá dao động từ 350,000 - 450,000 đ/lít, như vậy mỗi đàn ong cho thu nhập 1,750,000 – 2,700,000 đ/năm. Nguồn mật ong có chất lượng cao, quy trình sản xuất được các thành viên trong nhóm kiểm tra chéo chặt chẽ, vì vậy mật ong được người tiêu dùng tin tưởng và ưa chuộng sử dụng. Nguồn thu nhập này đã cải thiện đáng kể điều kiện sống của bà con.

    Bên cạnh đó, nghề nuôi ong đang mang lại rất nhiều hiệu quả về môi trường sinh thái. Từ khi phát triển nghề ong, cảnh quan trong làng trở nên đầy sắc hoa; những dải đất trống nho nhỏ ven đường hay trong vườn nhà đều trở thành những vườn hoa xinh xắn. Con ong rất nhạy cảm với điều kiện môi trường đặc biệt là khói bụi và các hóa chất, vì vậy bà con ý thức cao trong việc thu gom và xử lý rác thải, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ cỏ và thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất.

    Thu nhập từ mật ong hứa hẹn sẽ giúp giảm áp lực về kinh tế từ việc trồng cây Keo độc canh. Những năm qua, một số vùng đồi núi thấp khó canh tác nông nghiệp đã được chuyển đổi sang trồng cây Keo. Mặc dù loài cây này trong một giai đoạn đã góp phần vào nâng cao thu nhập của bà con, hậu quả mà cây Keo để lại ngày càng thấy rõ, đó là người dân mất trắng vốn đầu tư khi Keo bị bão xô gãy đổ, xói mòn đất, suy giảm nguồn nước ngầm và ô nhiễm không khí do khói sinh ra từ hoạt động đốt thực bì trước khi trồng Keo. Vì vậy, chính quyền địa phương và bà con Cao Quảng đang tìm hướng đi để thay thế dần cây Keo. Nuôi ong mang lại một nguồn thu ngắn hạn quan trọng, để từ đây bà con có điều kiện đầu tư phục hồi và phát triển rừng bằng các loài cây bản địa có giá trị cao. Hiện nay, nhóm nuôi ong sinh thái cũng là nhóm tiên phong trong thành lập vườn ươm cây bản địa và đã chuyển đổi hơn 10 ha đất trồng Keo sang trồng cây bản địa. Việc chuyển đổi này không những tạo nên môi trường tốt hơn nữa cho đàn ong, mà quan trọng hơn, góp phần tích cực trong việc phục hồi các chức năng sinh thái của rừng tự nhiên và mang lại giá trị kinh tế cao bền vững trong tương lai.

    Những cây lớn trong rừng vẫn vươn mình mạnh mẽ qua nhiều lần bão tố nhờ vào bộ rễ ăn sâu vào lòng đất và nương tựa vào nhau. Nuôi ong sinh thái ở Cao Quảng kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột chính trong sinh kế sinh thái của bà con bằng sự vững chãi từ gốc rễ. Để từ đây, người dân sống yên bình và hạnh phúc trong khúc nhạc hoan ca của núi rừng.

    Lê Hồng Giang