Sau mỗi buổi say đắm với vườn, Bác Hoàng Hữu Phước trở lại căn nhà gỗ đạm bạc, nhấm nháp hương vị từ một chén rượu nồng. Rồi Bác cười một mình và tự thưởng cho mình giây phút dịu êm. Sáng sớm hôm nay ngày 28 tháng 3 năm 2017, Bác gọi điện liên tục vì Bác hồi hộp. Bác hồi hộp vì Ông Trời. Bác hồi hộp vì sắp được đón đoàn già làng và thanh niên các dân tộc từ Đèo Măng Đen - nơi Bác đã từng gắn bó máu thịt lúc chiến tranh đang trên đường đến thăm vườn Bác. Có cả hai Giáo sư đã từng bôn ba khắp thế giới để tìm học những người nông dân như Bác. Đó là vị Giáo sư Goeltenboth (ở Trường Đại học Đức) và Tiến sĩ John Quayle (Ở trường Đại học Queensland - Úc).
Bác cười rất sung sướng trong điện thoại “Trời ơi, hôm nay trời tạnh và ánh mặt trời đã bắt đầu hé nở đằng Đông”, nơi cây Mít và những quả mít đang quắn quít trong vòng tay của những cành tiêu mặc quần màu xanh lá cây. Bác hỏi liên tục: “Đoàn đã đến đâu rồi”?! Bà con trong hội làm vườn và Lãnh đạo xã Lâm trạch đang chờ từ sáng sớm ở vườn Bác rồi đây.
Đó là một ngày độc đáo, mong ngóng của hai vị Giáo sư từ hơn hai năm nay rồi. Hai vị Giáo sư mang theo mình một mối tình tinh khiết từ hai đầu bán cầu Á - Tây, vượt qua đại dương, đến đèo đá đẽo Quảng bình, vì ở đó có một Bác Nông dân tên là Hoàng Hữu Phước đã gây chấn động địa cầu từ thập tử nhất sinh đến bến bờ tự do độc lập từ chính tâm hồn và nghị lực của Bác. Bất chấp sinh mạng chính mình, Bác đã thổi hơi thở của mình vào hồn những hạt đất bé bỏng vô tội và rất đỗi thơ ngây đã bị tắm mình trong sự khủng bố của đạn bom từ chiến tranh trong 20 năm qua, nay đã là lâu đài cây hồ tiêu sinh thái có một không hai trên toàn tỉnh Quảng bình nói riêng, và trên đất nước Việt nam nói chung. Mảnh đất bom đạn của Bác là sự lớn lên trong thăng trầm của mảnh vườn, là tuổi của một chí sĩ làm vườn, là tuổi của mạng lưới nông dân nồng cốt trong lưu vực sông Mê kong (MECO-ECOTRA 1995-2015)- một nền tảng tri thức và hệ giá trị phụng dưỡng thiên nhiên mà Viện SPERI và các tiền thân chung lưng đấu cật tuổi thanh xuân để sống, để học, để hành, để chứng và chia sẽ những vựa kiến thức bất hủ của những nền canh tác nương tựa vào hệ sinh thái có hồn của Tổ tiên người Bản địa và cha ông người Kinh xưa.
Những hạt đất, những hạt tiêu, những đọt chè xanh, nhưng bông rau ngót, những quả cà tím mộng chạm đất và những bông hoa hướng dương từ mạng lưới nông dân Pháp đã trao tặng HEPA được Bác nâng niu về trồng trong vườn Bác hôm nay cũng cười vui sướng khi đón nhận giải thưởng “Người Nông dân canh tác nương tựa vào rừng mưa nhiệt đới” có một không hai trên trái đất này do hai vị Giáo sư trao tặng Bác hôn nay. Gần nửa tấn bom đạn do bàn tay Bác nâng đặt và dọn dẹp để giành giật từng hạt đất cho những sinh linh vô tội được bình yên.
Bác Hoàng Hữu Phước, tấm gương sáng cho lớp lớp thanh niên trong các buôn làng đang nhiệt huyết muốn được làm vườn, muốn có đủ đất, đủ quyền, đủ cơ hội để làm vườn. Bạn Vàng Sín Mìn, dân tộc Hmong Simacai, Lao cai, bạn Đa cát K’Goi và bạn Cil Ha Huynh, dân tộc M’nong, huyện Đam Rong, Lâm đồng, bạn A Tho, dân tộc Ca Doong, bạn Lộc Văn Vìn, dân tộc Sán Zìu và bạn A Chắt dân tộc H’re cứ mãi nô đùa trong vườn tiêu của Bác “chúng cháu sẽ tiếp bước con đường mà Bác đã chọn”. Vườn của Bác sẽ là những ngày lịch ý nghĩa từ tâm hồn thi vị và đôi bàn tay ý nhị thầm lặng mà cháy bỏng tình yêu Đất, yêu Người của Bác trong 20 năm song hành với đội ngũ nông dân nồng cốt mà Viện SPERI và các tiền thân đã và đang đeo đuổi từng ngày. Như hôm nay sự hiện diện của Viện Phát triển Doanh nhân Cộng đồng (CENDI) là tiếp tục sứ mệnh mở những nẻo đường cho những người nông dân như Bác Hoàng Hữu Phước tiếp bước trên một phong cách và vị thế tự tin, tự chủ, tự chịu trách nhiệm với người tiêu dùng mà không cần bất kỳ một môi giới bão lãnh trung gian. Vườn của Bác là một giáo trình thực hành dễ hiểu, dễ biết, dể cảm nhận tình yêu đất, yêu người của Bác vì lợi ích của người tiêu dùng, hướng tới một không gian vườn là mâm thức ăn vô trùng, là chợ, là trường hướng nghiệp nông dân, là thư viện ngoài trời, là bệnh viện, là diễn đàn trao đổi, là không gian văn hóa của những người làm vườn vị văn hóa sinh thái, vị đạo đức và vị phương thức canh tác nương tựa thiên nhiên vốn là cội nguồn của người nông dân chưa dính bụi văn minh nông nghiệp công nghiệp và ô nhiễm nông nghiệp thị trường. Để rồi những người nông dân như Bác Phước sẽ là những Doanh nhân Gia đình, Doanh nhân Cộng đồng trong một xã hội lành mạnh, tin tưởng, yêu thương và chia sẽ trách nhiệm cùng nhau.
Những hạt đất trong vườn Bác, những khu vườn và những cánh rừng nơi các buôn làng và những con người muôn nơi đã và đang yêu mến từng hạt đất, đến vườn của Bác đều lặng đi trong chốc lát để thưởng thức hương vị và tâm hồn trong nụ cười điềm đạm và cương nghị của Bác Hoàng Hữu Phước. Cũng như niềm tự hào của hai vị Giáo sư từ hai bán cầu Á- Tây đã chứng kiến chân giá trị và bản sắc nông dân của Bác Hoàng Hữu Phước hôm nay trên mảnh vườn dạt dào kiêu hãnh này.
Ban thư ký trẻ YIELDS-AGREE (2015-2025) tiếp tục kế cận mạng lưới nông dân nồng cốt MECO-ECOTRA (1995-2015) trong lưu vực Mê kong đã và đang lác đác đâu đây bắt đầu vào cuộc bởi hành trình yêu đất để được đất yêu. (Tran thị Lanh 28 tháng 3 năm 2017 và Ảnh các bạn trẻ thuộc mạng lưới YIELDS-AGREE).